Công nghệ Blockchain hiện nay đang dần chiếm ưu thế trong lĩnh vực công nghệ và có nhu cầu tuyển dụng tương đối cao trên thị trường.
Blockchain Developer là gì?
Blockchain - một công nghệ mới trên thị trường hiện nay, nó là một hệ thống cơ sở dữ liệu, mọi dữ liệu sẽ được mã hóa thành các khối block và liên kết với nhau thành chuỗi gọi là chain.
Khối thông tin này hoạt động hoàn toàn độc lập, cho phép mở rộng theo thời gian sử dụng và được quản lý trực tiếp bởi những người trong hệ thống, chứ không phụ thuộc vào bên trung gian nào.
Còn Blockchain Developer là thuật ngữ dùng ám chỉ những nhà phát triển phần mềm dựa trên việc ứng dụng công nghệ Blockchain.
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng các Blockchain Developer trong doanh nghiệp ngày càng tăng cao. Một phần do đây là công nghệ mới có độ hot cao trên thị trường, phần khác đây là công nghệ được ứng dụng chủ yếu trong việc xây dựng các website phục vụ trong hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng và thậm chí cả trường học, bởi khả năng bảo mật vô cùng cao.
Để có thể trở thành một Blockchain Developer đòi hỏi bạn phải nắm vững kiến thức và cơ chế hoạt động của một số thành phần liên quan như Smart Contract, Decentralized Applications - dApps, thiết kế kiến trúc và giao thức Blockchain.
Ngoài ra, họ cũng cần phải biết thêm về cách xử lý mô hình 3D, thiết kế 3D và phát triển nội dung 3D, phổ biến nhất là trong phát triển game.
Trên thị trường hiện nay, Blockchain Developer được chia thành hai loại chính, đó là:
- Core Blockchain Developer - Nhà phát triển blockchain cốt lõi.
- Blockchain Software Developers - Nhà phát triển phần mềm Blockchain.
Công việc của một Blochain Developer
Mỗi ngày một Blockchain Developer cần phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
- Tạo, kiểm tra, triển khai các sản phẩm liên quan đến dữ liệu sử dụng trong khối Blockchain.
- Cập nhật thêm các sản phẩm vào Blockchain thỏa mãn nhu cầu sử dụng của người dùng.
- Thực hiện nghiên cứu các công nghệ mới, đồng thời tìm cách ứng dụng chúng vào dự án của mình nhằm tối ưu hóa dự án.
Để có thể đạt hiệu quả tốt nhất cho những nhiệm vụ trên, thì nhà phát triển Blockchain cần thực hiện cụ thể các công việc như:
- Tiến hành lập trình cho Blockchain với sự hỗ trợ của các ngôn ngữ như C++ hay Go, kết hợp cùng các kiến thức về Bitcoin Core, hiểu biết về Bitcoin, Altcoins, Blockchain.
- Lập trình cho Ethereum thông qua Solidity, công việc này đòi hỏi bạn phải là người có kinh nghiệm về Blockchain, Ethereum DApps, ICO, hợp đồng thông minh, ví...
- Xây dựng và phát triển cộng đồng thông minh cho ICO.
- Thực hiện các báo cáo cũng như các công việc khác theo yêu cầu của Leader.
Kiến thức nền tảng cần có ở một Blockchain Developer
Dù là bất kể nhà phát triển đang hoạt động ở mảng Web hay Blockchain, thì bạn cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, cùng kỹ năng chuyên môn liên quan đến lĩnh vực mà mình hoạt động.
Đặc biệt, muốn trở thành một Blockchain Developer bạn cần chuẩn bị cho mình những kiến thức sau:
- Có kiến thức vững chắc về Cryptography - một trong những điều kiện vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển Blockchain.
- Có khả năng chịu được áp lực công việc.
- Trình độ đọc - hiểu tiếng Anh tốt.
- Hiểu về cách thức hoạt động cũng như cấu trúc bên trong của Blockchain, bao gồm các khái niệm liên quan đến mật mã, thuật toán đồng thuận, hàm băm, sổ cái phân tán, Smart Contract... Ngoài ra, Consortium, Private, Public và Hybrid là bốn khái niệm bạn cần phải nắm vững nếu muốn hoạt động lâu dài trong lĩnh vực này.
- Có kiến thức nền tảng vững chắc về cả khái niệm và thực tiễn mật mã, trong đó có ví, khóa và chữ ký kỹ thuật số. Kèm theo đó là cách sử dụng mật mã khóa công khai để ngăn chặn những truy cập trái phép vào dữ liệu, đồng thời hiểu về sự khác biệt giữa các hàm băm như SHA-256 và Keccak-256.
- Đặc thù của Blockchain là với mỗi khối được xem là một cấu trúc dữ liệu phân cụm với các giao dịch trong sổ cái công khai. Do phải thường xuyên làm việc với các cấu trúc dữ liệu, nên để đạt hiệu quả tốt nhất cho công việc bạn cần hiểu cách mạng lưới Blockchain sử dụng chúng, đặc biệt là các loại cấu trúc dữ liệu về đồ thị, xếp đống (Heap), cây Hash (Hash Trees), cây Patricia (Patricia Trees) và cây Merkle (Merkle Trees).
- Có kiến thức vững vàng về một số ngôn ngữ phổ biến như Java, C ++, Python và JavaScript. Cùng với đó là các kiến thức của lập trình hướng đối tượng và thành thạo cách sử dụng của một số loại thư viện và Framework hỗ trợ.
- Trang bị cho mình kiến thức về những công nghệ hiện đại như Docker Containers, kiến trúc Microservice, AI, Machine Learning, IoT, Big Data.
- Rèn luyện cho bản thân khả năng tư duy Logic, tư duy lập trình, nắm vững phương pháp lập trình và sẵn sàng học hỏi cũng như linh hoạt trong việc nắm bắt xu hướng công nghệ.
- Có kiến thức tổng quát trong việc phát triển web, bao gồm cách thiết kế và phát triển các ứng dụng web, hiểu rõ về các công nghệ hỗ trợ các ứng dụng này và một số yếu tố cần thiết để tối ưu hóa và bảo mật nó.
- Nắm vững các ngôn ngữ lập trình được sử dụng để xây dựng nên các hợp đồng thông minh, phổ biến như Vyper, Solidity hay thậm chí là Chaincode.