Bug là một "người bạn" mà chẳng có lập trình viên nào muốn chơi cùng. Thế nhưng, vì đâu mà trong quá trình phát triển phần mềm, nó cứ liên tục xuất hiện?
Có lẽ, tất cả các Developer đều muốn xây dựng một tính năng mới, chứ chẳng ai thích phải bảo trì sản phẩm có sẵn hay cứ mãi ngồi gỡ Bug đến "mất cả thanh xuân". Còn Bug thì cứ "bám dính" dai dẳng, không chịu buông tha. Rốt cuộc chúng từ đâu mà ra? Hãy cùng Tự Học Lập Trình tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé!
Trong thực tế, xuất hiện rất nhiều lý do dẫn đến phần mềm bị lỗi, phổ biến nhất là vì con người, tạo nên trong quá trình design và coding. Sản phẩm càng có yêu cầu phức tạp, thì khả năng tồn tại Bug càng nhiều. Sau đây là danh sách các nguyên nhân xảy ra Bug trong Software Development.
Con người
Đây là những cá thể góp phần vào quá trình xây dựng sản phẩm, mà đã là con người thì không thể hoàn hảo 100%. Họ sẽ mắc phải những sai lầm, thậm chí tự biết rằng phần mềm mà mình làm ra chắc chắn sẽ có lỗi, nhưng điều này vẫn cứ xảy ra.
Vì khoa học chưa tìm ra được bất kỳ công cụ - trí tuệ nhân tạo nào có thể tạo nên kết quả tốt hơn con người, nên Bug vẫn luôn tồn tại.
Thất bại trong quá trình trao đổi thông tin
Một lý do thường gặp là về việc thất bại trong quá trình trao đổi thông tin như hiểu sai vấn đề. Trường hợp yêu cầu của dự án quá mơ hồ, không rõ ràng, Developer vẫn sẽ implement, từ đó dẫn đến lỗi.
Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân khác liên quan đến phần này, Bug cũng xuất hiện khi lập trình viên bất kỳ cố gắng sửa một đoạn code của người khác và thiếu đi sự trao đổi giữa hai bên.
Khung thời gian phát triển hạn hẹp
Sản phẩm thường được tạo nên theo một lịch trình gấp gáp, dồn dập, với sự thiếu thốn về nguồn lực. Chính vì vậy, để đáp ứng kịp thời gian deadline, quá trình thiết kế, code và kiểm thử không được thực hiện một cách cẩn thận. Ngoài ra, việc có sự thay đổi, dù chỉ là yêu cầu nhỏ vào thời gian cuối, cũng sẽ dẫn đến khả năng gây ra Bug.
Thiếu logic trong quá trình design
Có đôi khi, lập trình viên sẽ gặp phải những phần mềm phức tạp, đến mức nó đòi hỏi rất nhiều sự nghiên cứu, phát triển và động não, để đạt được một sản phẩm tối ưu nhất. Lúc này, sự thiếu kiên nhẫn và mong muốn hoàn thành nó càng sớm càng tốt có thể dẫn tới sai sót.
Áp dụng sai công nghệ trong quá trình thiết kế sản phẩm, chấp nhận sử dụng cách dễ nhất để thực hiện giải pháp, chưa hiểu biết đúng đắn về tính khả thi của kỹ thuật... cũng đều có thể gây ra lỗi. Những trường hợp này thường là do các Developer không có đủ thời gian để nghĩ thêm phương án hiệu quả hơn.
Code không "sạch"
Bug thường xuất hiện bởi code yếu kém. Nó được thể hiện qua việc quên xử lý hoặc giải quyết lỗi không triệt để, thiếu validate dữ liệu (kiểu dữ liệu, phạm vi, điều kiện biên…). Thêm vào đó, lập trình viên có thể phải làm việc với những tool, compilers, debuggers… kém hiệu quả.
Không thành thạo kỹ năng kiểm thử
Ở một vài công ty, quy trình test trước sản phẩm thường bị xem nhẹ hoặc không được diễn ra. Bên cạnh đó, những tester kém hiểu biết và thiếu kinh nghiệm cũng là một yếu tố dẫn đến việc bỏ sót Bug trong sản phẩm. Nếu không cẩn thận và không chú ý trong quá trình thực hiện, kết quả sẽ là một sản phẩm kém chất lượng, có tồn tại nhiều lỗi nghiêm trọng, khó mà cứu vãn tình hình.
Thay đổi trong phút chót
Như đã nói ở trên, các thay đổi trong phút chót có thể xảy ra với requirement, cơ sở hạ tầng, tools, platform... đều rất nguy hiểm, nhất là khi sản phẩm chuẩn bị được công bố. Những thao tác điều chỉnh nếu được thực hiện trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến việc xảy ra Bug.