Lập trình game hiện đang là một nghề khá hot trên thị trường, do đó mà các vị trí trong mảng này luôn khiến nhiều người quan tâm.
Muốn tạo ra một tựa game hoàn chỉnh và phát hành trên thị trường cho chúng ta trải nghiệm, phải mất khá nhiều thời gian công sức và sự phối hợp ăn ý giữa các bộ phận trong ngành lập trình game.
Nếu bạn là một người đam mê game, đang tò mò về những chức danh trong ngành lập trình game. Vậy thì hãy cùng Tự Học Lập Trình đi tìm hiểu xem, nó bao gồm những vị trí nào nhé!
Concept Artist
Đây là một khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam hiện nay, cụm từ này thường được sử dụng nhiều trong lĩnh vực phim ảnh hay trong quá trình sản xuất các loại trò chơi điện tử.
Ngay khi vừa bắt đầu xây dựng trò chơi, những người đảm nhận vị trí Concept Artist phải phối hợp trực tiếp với Art Director - Giám đốc nghệ thuật, để biến ý tưởng xây dựng game thành những hình ảnh có tính chân thực cao.
Việc này thường được thực hiện ngay khi công đoạn sản xuất bắt đầu.
Nhiệm vụ chính của Concept Artist là sử dụng kết hợp các công cụ vẽ 2D, 3D hay phối cảnh, nhằm tạo ra những hình ảnh sinh động và chân thực cho game, bao gồm Nhân vật, phong cảnh, đồ vật, xe cộ, kết cấu bề mặt, trang phục, công cụ và các chi tiết khác xuất hiện trong một trò chơi.
Digital Marketing Game
Digital Marketing hiện đang là một lĩnh vực khá hot trên thị trường hiện nay, bởi nó đóng vai trò khá quan trọng trong các ngành nghề và đưa chúng nhanh chóng tiếp cận đến người dùng. Hiện nay, lĩnh vực này cũng hỗ trợ rất nhiều trong quá trình phát triển của các tựa game, khiến chúng có thể tiếp cận đến người dùng tốt hơn.
Những người đảm nhận vị trí Digital Marketing game thường là người sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động quảng bá sản phẩm, khiến nó có thể tác động đến tâm trí khách hàng, kích thích hành vi sử dụng của họ trên các nền tảng số.
Họ sẽ phải thường xuyên thực hiện việc phân tích nhu cầu sử dụng của các nhóm khách hàng hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường, từ đó xây dựng những chương trình Marketing Online phù hợp trên các ứng dụng Mobile.
Đồng thời, lên kế hoạch triển khai chiến dịch quảng cáo trên các trạng mạng xã hội, như Facebook Ads hay Youtube... để thuyết phục người dùng tải trò chơi về máy và sử dụng thử nó.
Thiết kế Game
Vị trí thiết kế game hay còn gọi là Designer game, những người này sẽ chịu trách nhiệm lên ý tưởng, bối cảnh, nhân vật, hội thoại, quy luật chơi và cả cốt truyện diễn ra trong trò chơi.
Ngoài ra, họ cũng chính là người quyết định lớn nhất đến độ khó hay dễ của game, thậm chí người chơi cần phải vượt qua những thử thách như thế nào để qua màn.
Những người làm ở vị trí thiết kế game đòi hỏi phải có óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú và tư duy logic tốt, thì mới có thể tạo ra một trò chơi thú vị và hấp dẫn cho người sử dụng.
Lập trình viên game
Có thể nói, lập trình viên game luôn là chức danh được khá nhiều các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lập trình game săn đón nồng nhiệt.
Những nhà lập trình game có nhiệm vụ xây dựng các chuỗi chuyển động liền mạch, có hành động và mục tiêu cụ thể dựa theo những mô hình nhân vật, môi trường game đã được thiết lập bởi các nhà thiết kế game.
Quy trình này sẽ được các lập trình viên game thực hiện chủ yếu thông qua các đoạn mã code, nhờ đó giúp nhân vật và môi trường trong trò chơi có thể tương tác "ăn ý" với nhau thông qua các thao tác chọn của người chơi, dựa trên những chức năng đã được thiết lập sẵn.
Để có thể trở thành một lập trình viên game được nhiều đơn vị "săn đón", đòi hỏi bạn phải có kiến thức kèm những kỹ năng làm việc với các ngôn ngữ như Lua, "anh em" nhà C, Python và JavaScript.
Diễn hoạt Game
Diễn hoạt game hay còn gọi là Game Animator, là những người có khả năng biến những nhân vật game 3D ở dạng tĩnh thành động, khiến những nhân vật có thể chuyển động, có biểu cảm sắc thái đa dạng và tự nhiên phù hợp với môi trường đang diễn ra trong trò chơi.
Giữa những người làm diễn hoạt game và thiết kế game luôn có sự phối hợp khá ăn ý với nhau, nhằm đảm bảo cho môi trường trong trò chơi có sự tương tác thật tự nhiên và mượt mà. Đồng thời, khắc phục kịp thời những "lỗ hổng" còn sót, để mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị.
Muốn trò chơi có được cốt truyện rõ ràng, dễ hiểu, Game Animation cần bắt đầu bằng việc xây dựng kịch bản phân cảnh cơ bản và dựa vào đó để phát triển từng chi tiết cho phân cảnh.
Để có thể bắt đầu với công việc này, bạn cần có kiến thức và kỹ năng về hoạt hình 3D, đồ họa máy tính. Ở một số doanh nghiệp, tùy vào vị trí thực hiện là 2D Animator, 3D Animator, Pixel Animator hay FX Animator mà nhà tuyển dụng sẽ có thêm những yêu cầu khác cho phù hợp hơn.
Quản lý và đảm bảo chất lượng Game (QA and QC)
Quản lý và đảm bảo chất lượng Game còn có thể hiểu như một người Tester, mọi chương trình trước khi được xuất bản ra thị trường cần phải thông qua đây.
Việc kiểm tra QA and QC có thể được tiến hành trong từng giai đoạn cụ thể hay đến khi dự án đã hoàn thiện.
Nhiệm cụ chính của những người làm ở vị trí này, là cho chạy thử nghiệm tất cả các tính năng được xây dựng trong game, sau đó viết báo cáo chi tiết tất cả những lỗi phát hiện được (nếu có) và gửi lại cho lập trình viên, để họ khắc phục lại.
Quá trình này sẽ đảm bảo cho trò chơi đạt chất lượng tối ưu, đồng thời mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị trong quá trình sử dụng khi nó chính thức được phát hành.