Thể loại game online đang ngày càng thu hút nhiều người tham gia, khiến nhu cầu tuyển dụng lập trình game tăng cao. Vậy để làm công việc này cần học những gì?
Tìm hiểu về lập trình game
Trong thời buổi hiện nay, nhu cầu giải trí của con người ngày càng tăng cao, đặc biệt là qua các tựa game online.
Chính vì thế, mà thị trường lập trình game ngày càng trở nên đa dạng và phong phú, các trò chơi không chỉ được tạo ra nhằm mục đích giải trí mà còn có thể được đưa vào các giải đấu lớn trên thế giới.
Hiểu đơn giản, lập trình game là công việc sáng tạo, xây dựng và phát triển nên các trò chơi, phục vụ bất kỳ một mục đích nào đó của con người.
Để có thể tạo ra những trò chơi hấp dẫn phục vụ người dùng, đòi hỏi các nhà lập trình game phải có kiến thức về lập trình chuyên sâu, kèm theo cách sử dụng các công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, đây còn là một công việc vô cùng phức tạp, cần sự kết hợp linh hoạt giữa nhiều giai đoạn, từ việc lên ý tưởng, kế hoạch, xây dựng những kịch bản cho toàn bộ trò chơi, từng màn chơi, vẽ đồ họa, theo dõi và quản lý tiến trình triển khai dự án…
Sau khi hoàn thành xong quá trình trên, nhà lập trình cũng chính là người test thử trò chơi, để xem còn lỗi nào tồn tại bên trong, tiến hành fix chúng và hoàn thiện theo đúng yêu cầu ban đầu.
Và cuối cùng, trò chơi sẽ được đưa đến tay người dùng thông qua các chợ ứng dụng, phổ biến nhất vẫn là CH Play (đối với Android) và App Store (dành cho iOS).
Lập trình game cần học những gì?
Muốn trở thành một nhà lập trình game “chính hiệu”, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức sau:
Về kiến thức chuyên môn
- Hiểu về quy trình vận hành của một số trò chơi hot hiện nay.
- Luôn có những ý tưởng sáng tạo thú vị, để mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người dùng.
- Thành thạo một trong những ngôn ngữ hỗ trợ lập trình game như:
- Java: Dùng để viết game cho Mobile - các dòng điện thoại hỗ trợ J2ME, hoặc các tựa game cho Android.
- C#: Dùng viết game cho Windows mobiles, Windows Phone hoặc PC.
- Objective-C: Dùng cho các tựa game vận hành trên iOS như máy MAC, iPhone 6, iPad.
- JavaScript: Phục vụ cho những trò chơi hoạt động trên môi trường web.
- …
- Có kiến thức căn bản về toán học logic, tin học cũng như vật lý.
- Kiến thức chuyên môn về những tiến bộ kỹ thuật và phần mềm trong ngành công nghiệp trò chơi.
- Có kiến thức về đồ họa nói chung, đặc biệt là các phần mềm hỗ trợ xây dựng hoạt họa 2D và 3D nói riêng.
- Hiểu biết về phương pháp phát triển như Agile và Scrum.
- Có khả năng đọc hiểu các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Về phần kỹ năng mềm
- Rèn luyện cho mình sự kiên trì và không dễ dàng bỏ cuộc mỗi khi gặp khó khăn.
- Có khả năng làm việc đội nhóm và độc lập hiệu quả.
- Khả năng nhạy bén và giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình làm việc.
- Khả năng sắp xếp công việc và quản lý thời gian hiệu quả.
- Có tư duy phân tích logic.
Lập trình game thực hiện những công việc nào?
- Hiện thực hóa lý thuyết trong dự án và biến chúng thành các đoạn mã lệnh để tạo ra một trò chơi có thể chơi được.
- Xây dựng bộ khung cơ bản để trò chơi có thể vận hành.
- Xây dựng kịch bản game, các sự kiện, cùng sự tương tác trong game.
- Xây dựng và mô phỏng các yếu tố vật lý, điển hình như sự khác biệt về trọng lực trong một trò chơi lấy bối cảnh trong không gian.
- Phát triển và sửa đổi kết xuất đồ họa 3D.
- Mô phỏng trí thông minh nhân tạo cho các Non-player Character.
- Thêm hiệu ứng âm thanh, âm nhạc và thuyết minh, khiến game thêm phần sinh động.
- Thể hiện tính logic, kèm theo các cơ chế trong trò chơi.
- Thiết kế giao diện người dùng.
- Viết các đoạn mã cụ thể cho bàn phím, chuột hoặc tay cầm điều khiển, giúp người chơi có thể thi đấu hoặc hợp tác chiến đấu thông qua mạng LAN hoặc Internet.
- Phát triển các công cụ tùy chỉnh cấu hình game.
- Tiến hành chuyển mã lệnh giữa các nền tảng.
- Triển khai các thuật toán, giải quyết các yêu cầu bộ nhớ và các vấn đề về bộ nhớ đệm.
- Tìm ra các lỗi còn tồn tại và tiến hành fixbugs.