Trong thực tế, tất cả các ngành nghề đều có những cấp độ sự nghiệp được phân chia khác nhau. Trong đó, nghề lập trình viên cũng không phải là ngoại lệ.
Hầu như ai cũng đều phải trải qua các giai đoạn thăng trầm trên con đường phát triển sự nghiệp của mình, trong đó có cả các lập trình viên. Kiếm được một công việc như ý đã là điều không hề dễ dàng, nhưng để phát triển đúng hướng thì lại càng khó hơn. Trong bài viết này, Tự Học Lập Trình sẽ cung cấp đến bạn những thông tin cần thiết để có thể tự đưa ra định hướng cho bản thân.
Lập trình viên sơ cấp (Junior Developer)
Đặc điểm:
- Có từ 1 cho đến 3 năm kinh nghiệm trong ngành.
- Có thể viết các script đơn giản.
- Có kiến thức nền tảng về toàn bộ vòng đời của ứng dụng.
- Hiểu biết sơ bộ về cơ sở dữ liệu.
- Chưa có khả năng nắm hết được mọi ngóc ngách của các ứng dụng phức tạp.
Khi mới bắt đầu công việc lập trình, hầu như ai cũng phải trải qua giai đoạn nản lòng và muốn bỏ cuộc. Có đôi khi bạn sẽ cảm thấy tự ti và không tin là mình có thể tham gia các dự án phức tạp. Hay vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn lại băn khoăn vì sao mình chưa được thăng cấp lên Senior Developer trong khi bản thân cũng làm những công việc tương tự như họ.
Tuy nhiên, những lập trình viên sơ cấp này thường thiếu kinh nghiệm. Cho dù thông minh và lanh lợi đến đâu thì họ cũng không biết được hết các code hoặc những tình huống hóc búa như người có tay nghề lâu năm.
Lập trình viên lâu năm (Senior Developer)
Đặc điểm:
- Có từ 4 cho đến 10 năm kinh nghiệm.
- Có khả năng viết được các ứng dụng phức tạp.
- Hiểu biết một cách sâu sắc về toàn bộ vòng đời của ứng dụng và cơ sở dữ liệu.
- Có thể làm việc thông thạo trên các phần khác nhau của cùng một ứng dụng bất kỳ.
Lập trình viên lâu năm là những người thực sự giỏi trong việc xây dựng toàn bộ ứng dụng quy mô. Trên thực tế, nếu cảm thấy không thích hợp với vai trò một người quản lý và chỉ thích viết code, bạn có thể là Senior Developer. Vị trí này cũng có thể là bước đệm để bạn tiến lên một cấp độ mới.
Lead Developer hoặc Architect
Đặc điểm:
- Có từ 7 cho đến hơn 10 năm kinh nghiệm.
- Sở hữu các kỹ năng cơ bản giống như Senior Developer.
Trong đó, Lead Developer là vai trò chuyển tiếp vào một chức vụ quản lý cấp trung, còn Architect là một vị trí kỹ thuật thuần túy.
Nếu sau hơn 7 năm lập trình, việc trở thành quản lý vẫn không phù hợp với bạn, thì Architect chính là vị trí cao nhất trên nấc thang sự nghiệp lúc đó. Những người này đôi khi viết code, nhưng họ thường xuyên thiết kế các hệ thống phức tạp, cái mà sẽ được thực hiện bởi các nhóm lập trình viên Junior và Senior. Công việc cụ thể của Architect là sử dụng kiến thức kỹ thuật của mình có được sau nhiều năm làm việc để tạo ra cấu trúc cho một dự án phần mềm thành công.
Bàn về Lead Developer, đây là người mà những lập trình viên Junior và Senior tìm đến để được hướng dẫn và định hướng khi cần. Họ thường đưa ra quyết định về các vấn đề được thực thi trong khi viết code.
Quản lý cấp trung (Mid-Level Manager)
Đây là người sếp của các lập trình viên và họ có quyền thuê hoặc sa thải nhân sự mà mình đang quản lý.
Hầu hết những vị trí quản lý mà mọi lập trình viên đều muốn hướng tới thường là Developer Manager. Những người này tiếp nhận các yêu cầu của Product Manager và Project Manager, sau đó truyền đạt chúng với các thành viên của nhóm lập trình. Vai trò này đòi hỏi kỹ năng mềm rất lớn cũng như khả năng dàn xếp các xung đột tốt.
Quản lý cấp cao (Senior Leader)
Đây là vị trí cao nhất trong lộ trình phát triển sự nghiệp của nghề lập trình viên. Họ là sếp các nhà quản lý cấp trung và tất nhiên, có quyền thuê hay sa thải những người dưới quyền mình.
Công việc chính của một Senior Leader là đưa ra những quyết định cấp cao và truyền cảm hứng, giúp đội ngũ của họ có niềm tin vào sứ mệnh.
Càng leo lên các nấc thang sự nghiệp cao hơn, thì bạn càng ít được tiếp xúc với công việc lập trình hơn. Các nhà quản lý cấp trung vẫn có thời gian để mày mò với công nghệ, nhưng các Senior Leader phải dành tất cả thời gian của họ để tập trung vào vấn đề con người. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo cho tất cả mọi người trong tổ chức cùng tiến theo một hướng, đảm bảo dẫn đến đích đã định.
Để có được vị trí này, bạn cần phải nỗ lực rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải bất cứ ai trở thành nhà quản lý cấp cao nhất mới được gọi là thành công. Sự nghiệp của nhiều người có thể phát triển đến một mức độ nào đó và dừng lại, cũng đã được coi là đáng mơ ước với người khác. Có trường hợp, một số cá nhân bỏ qua vài giai đoạn trong nấc thang sự nghiệp của mình. Tốt hơn hết, bạn nên xây dựng định hướng phát triển riêng cho bản thân ngày từ khi mới bắt đầu.