Bạn đang muốn trở thành một lập trình viên Android, nhưng chưa biết phải chuẩn bị những kiến thức gì cho mình. Vậy hãy cùng theo dõi bài viết bên dưới nhé!
Tìm hiểu về lập trình Android
Ngày nay, Android được biết đến là một hệ điều hành khá thông dụng trên thị trường, được nhiều người lựa chọn bởi tính năng dễ sử dụng của nó.
Android được phát triển và vận hành bởi Google, "ra đời" dựa trên "đàn anh" Linux, hỗ trợ cho việc vận hành của các ứng dụng trên các loại thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, TV...
Android hoạt động với nền tảng mã nguồn mở, cho phép các nhà phát triển thoải mái điều chỉnh và phát triển nhiều ứng dụng chạy trên nó.
Hệ điều hành Android bao gồm 5 phần chính:
- Nhân Linux: Chứa các thiết bị giao tiếp ở mức thấp, dùng điều khiển hệ thống như driver, mạng, kết nối với các thiết bị ngoại vi và các thiết bị phần cứng.
- Thư viện: Có các mã cái cung cấp tính năng trên Android, bao gồm SQLite hay SSL.
- Android Runtime: Là thư viện lõi giúp các nhà phát triển tạo ra ứng dụng dựa trên ngôn ngữ Java.
- Android Framework: Thể hiện các chức năng kết nối, thông báo và truy xuất dữ liệu trên hệ điều hành.
- Application: Lưu trữ các ứng dụng đã được tạo ra trên hệ điều hành.
Hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy Android là một hệ điều hành có lượng người dùng khá cao và ngày càng được nâng cấp lên tầm cao mới, để phục vụ các nhu cầu của người dùng tốt hơn.
Lập trình viên Android cần học những gì?
Nếu đang muốn đi theo hướng lập trình viên Android, ngoài việc nắm vững các cấu trúc, cùng một số đặc điểm trên hệ điều hành, bạn cần phải thành thạo các ngôn ngữ lập trình và cách sử dụng công cụ hỗ trợ, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất cho công việc.
Ngôn ngữ Java và Kotlin
Java và Kotlin là hai ngôn ngữ thường được các lập trình viên sử dụng trong quá trình tạo ra các ứng dụng vận hành trên hệ điều hành Android.
Xét về thực tế, thì Java là ngôn ngữ có tính phổ biến và được các lập trình viên ưa chuộng hơn Kotline.
Ngoài hai ngôn ngữ "thống trị" này, bạn cũng nên học thêm các kiến thức nền tảng của AngularJS, C#, HTML/CSS, để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình.
Ngôn ngữ SQL
Mục đích chính khi sử dụng SQL là để tạo, sửa và lấy data từ hệ quản trị cơ sở dữ liệu trong các ứng dụng Android.
Nhiệm vụ của SQL là thực hiện các truy vấn để lấy các thông tin từ cơ sở dữ liệu bên trong, hỗ trợ cho quá trình xây dựng và phát triển ứng dụng.
Khi bạn đã nắm rõ nguyên tắc làm việc của SQL, thì mọi câu hỏi liên quan đến truy vấn đều dễ dàng được thực hiện.
Ngôn ngữ XML
Khi nắm vững các cú pháp trong XML, các công việc liên quan đến UI và phân tích dữ liệu từ Internet đều sẽ nhanh chóng được thực hiện.
Đa phần các công việc liên quan đến XML khi muốn thực hiện đều phải thông qua Android Studio.
Công cụ Android Software Development Kit (SDK) và Android Studio
Android Studio là một công cụ hỗ trợ các Dev trong việc viết code và lắp ráp các module trở thành một ứng dụng hoàn chỉnh. Hay bạn cũng có thể nhờ đến Eclipse để thực hiện quá trình trên.
Còn nếu muốn có một công cụ hỗ trợ nhiều hơn các tính năng, thì các lập trình viên nên sử dụng thêm Android SDK. Bởi nó cung cấp một kho công cụ phát triển khổng lồ, từ thư viện cho tới việc fix bug hay giả lập thiết bị di động... giúp việc phát triển các ứng dụng trên Android được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Điều đặc biệt, các công cụ này đều có sẵn trên Internet, bạn chỉ cần tải về và thiết lập nó trên máy là đã có thể sử dụng.
Công việc của lập trình viên Android
Công việc thường ngày của các lập trình viên Android là thiết lập các ứng dụng vận hành trên các thiết bị được trang bị hệ điều hành Android, nó có thể là điện thoại, máy tính bảng hay các thiết bị ngoại vi có kết nôi với nền tảng này như Smartwatch và các thiết bị hoạt động trong hệ thống IoT.
Việc xây dựng và phát triển một dự án thường được diễn ra theo quy trình sau:
- Thực hiện nghiên cứu về sản phẩm, cũng như các yêu cầu của khách hàng.
- Thiết lập các tính năng của chương trình trên nền tảng Android.
- Tiến hành xử lý dữ liệu, phát triển giao diện cho lập trình ứng dụng API, giúp chương trình có thể vận hành với các thiết bị tương thích.
- Xử lý mã hóa ứng dụng di động, các layout, thread, service, custom views và broadcast receiver.
- Thiết kế giao diện, mang đến cho người dùng những trải nghiệm tuyệt vời trong quá trình sử dụng.
- Đưa ứng dụng chạy thử nghiệm, khắc phục sự cố và fix bugs ứng dụng (nếu có).
- Xuất bản ứng dụng với dạng APK lên Google Play.
- Đưa ra các phương án nâng cấp ứng dụng lên các phiên bản mới.
Hy vọng với những chia sẻ trên của Tự Học Lập Trình, sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hành trang làm nghề, để có thể trở thành một lập trình viên Android trong tương lai. Chúc bạn sẽ sớm thành công với lựa chọn của mình nhé!