Hướng dẫn cách viết CV dành cho dân IT
Một chiếc CV ấn tượng sẽ giúp ứng cử viên tạo ra ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng. Thông qua đó, cơ hội nghề nghiệp cũng được mở rộng.
Bạn vừa mới ra trường và có mong muốn tìm kiếm được một công việc như mơ? Hãy tham khảo qua bài viết sau đây để biết cách "đầu tư" đúng đắn, hợp lý cho hồ sơ xin việc của mình.
Phần thông tin cá nhân
Hãy liệt kê đơn giản họ tên, năm sinh, địa chỉ, email, số điện thoại liên hệ, kèm theo ảnh đại diện rõ mặt, chất lượng rõ nét và không nên là ảnh selfie vì nó sẽ làm cho các nhà tuyển dụng đánh giá là không nghiêm túc.
Ngoài ra, để thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân, CV bạn phải được thiết kế một cách đơn giản, không quá màu mè.
Phần mục tiêu nghề nghiệp
Ở mục này, bạn cần nêu rõ định hướng của mình trên con đường sự nghiệp mà bản thân muốn hướng tới. Hãy tóm tắt chúng trong vòng 2-3 câu thể hiện rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đối với vị trí công việc đang ứng tuyển. Thông qua đó, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được phần nào năng lực, cũng như tầm nhìn của ứng cử viên và quyết định xem có nên đọc tiếp CV này hay không. Nếu không nêu rõ mục tiêu của mình thì chẳng có lý do gì để họ đưa bạn vào làm ở doanh nghiệp cả.
Phần kỹ năng
Trước khi bắt đầu kiểm tra kỹ năng thật sự của một ứng viên nào đó, các nhà tuyển dụng đều đọc qua CV của họ và chọn lọc những hồ sơ phù hợp nhất. Chính vì thế, ở phần này, bạn cần liệt kê những gì đã biết hoặc từng có kinh nghiệm, đồng thời nêu chính xác mức độ hiểu biết của mình trong từng mục.
Nhớ rằng đừng bao giờ viết sai sự thật chỉ để gây ấn tượng với phía doanh nghiệp, vì bạn còn phải trải qua một cuộc test thực tế trong vòng phỏng vấn nếu CV được lựa chọn.
Kinh nghiệm làm việc
Đây có thể được coi là phần quan trọng nhất của CV dành cho dân IT. Hãy tóm tắt, liệt kê những dự án mà bạn đã từng thực hiện, kèm với chức vụ và sắp xếp theo trình tự thời gian từ cũ nhất cho đến mới nhất.
Thông tin khác
Ngoài các thông tin cơ bản và cần thiết trên, CV của bạn cũng có thể đính kèm link liên kết đến các trang cá nhân, blog... nơi bạn trưng bày sản phẩm mình đã làm (nếu có). Bên cạnh đó, bằng cấp, giấy chứng nhận... cũng là một trong những yếu tố quan trọng nếu bạn đang nộp hồ sơ vào một công ty lớn.