![Phân loại Bug theo mức độ nghiêm trọng](/upload/post/2025/02/12/phan-loai-bug-theo-muc-do-nghiem-trong-20250212111135-387955.jpg)
Bug là yếu tố lo ngại mà lập trình viên nào cũng muốn tránh, cùng phân loại bug theo mức độ nghiêm trọng để tối ưu quy trình phát triển phần mềm.
Bug là gì?
Khái niệm "Bug" không còn xa lạ với bất kỳ lập trình viên hay sinh viên nào, đây yếu tố gây ra là những lỗi hoặc vấn đề xuất hiện trong mã nguồn, gây ra những hành vi không mong muốn trong ứng dụng.
Nguyên nhân gây ra Bug phổ biến đó là lỗi logic trong thuật toán khi lập trình viên viết sai hoặc hiểu sai cách thức hoạt động của chương trình, dẫn đến kết quả không mong muốn. Và ngoài ra còn có lỗi cú pháp, đó là khi nguồn không tuân theo quy tắc của ngôn ngữ lập trình, khiến chương trình không thể biên dịch hoặc chạy được.
Hậu quả của Bug sẽ khiến các chức năng hoạt động không đúng hoặc ứng dụng thường xuyên bị treo, nghiêm trọng hơn nếu đó là lỗi bảo mật thì dữ liệu người dùng có thể bị đánh cắp.
Tại sao cần phải phân loại ra Bug?
- Việc phân loại ra Bug sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc xác định mức độ ảnh hưởng của từng lỗi, từ đó đưa ra phương án xử lý hiệu quả.
- Nếu không có sự phân loại rõ ràng, các lỗi có thể bị đánh giá sai mức độ nghiêm trọng, dẫn đến việc ưu tiên sửa chữa không hợp lý, làm chậm tiến độ phát triển phần mềm.
- Khi bug được phân loại theo mức độ nghiêm trọng, đội ngũ phát triển có thể tập trung xử lý những lỗi nghiêm trọng trước, đặc biệt là những lỗi ảnh hưởng trực tiếp đến tính năng cốt lõi hoặc gây mất dữ liệu.
- Ngược lại, các lỗi nhỏ ít ảnh hưởng hơn có thể được khắc phục sau mà không làm gián đoạn quá trình sử dụng phần mềm.
- Ngoài ra, việc phân loại bug kịp thời sẽ giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình phát triển phần mềm. Nếu các bug nghiêm trọng được xử lý sớm, chi phí phát sinh cho việc sửa chữa sẽ được giảm thiểu.
Phân loại bug theo mức độ nghiêm trọng
Trước khi phân loại, có 02 tiêu chí chính mà bạn cần lưu ý đó là:
- Mức độ nghiêm trọng (Severity): Thể hiện mức độ ảnh hưởng của bug đến hoạt động của phần mềm.
- Mức độ ưu tiên (Priority): Cho biết cần phải xử lý bug đó sớm hay chậm, dựa trên nhu cầu và thời gian của dự án.
Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu vào từng loại bug theo mức độ nghiêm trọng để hiểu rõ hơn về cách xử lý:
Bug nghiêm trọng (Critical Bug)
Đây là những lỗi gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống, có thể làm phần mềm ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc gây mất dữ liệu quan trọng. Các lỗi này cần được xử lý ngay lập tức vì chúng có thể làm gián đoạn quy trình kinh doanh hoặc gây tổn thất tài chính nghiêm trọng.
- Ví dụ: Lỗi dẫn đến crash ứng dụng hoặc tình trạng mất dữ liệu nghiêm trọng khi người dùng thực hiện một hành động nào đó.
- Biện pháp xử lý: Kiểm tra lại mã nguồn, thực hiện kiểm thử hồi quy để đảm bảo lỗi không xuất hiện lại, cập nhật bản vá lỗi nhanh chóng và triển khai ngay lập tức.
Bug nghiêm trọng cao (High Severity Bug)
Những lỗi này không khiến phần mềm dừng hoạt động hoàn toàn nhưng gây ảnh hưởng đáng kể đến các chức năng chính. Chúng có thể làm giảm hiệu suất của ứng dụng, gây sai lệch dữ liệu hoặc ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
- Ví dụ: Lỗi giao diện người dùng không hiển thị đúng, hay một số chức năng cơ bản không hoạt động như mong đợi.
- Biện pháp xử lý: Kiểm tra dữ liệu liên quan để xác định phạm vi ảnh hưởng, sửa lỗi và thực hiện kiểm thử kỹ lưỡng trước khi cập nhật vào hệ thống chính thức.
Bug nghiêm trọng trung bình (Medium Severity Bug)
Là những lỗi có ảnh hưởng nhưng không làm gián đoạn nghiêm trọng đến hoạt động của hệ thống. Người dùng vẫn có thể tiếp tục sử dụng phần mềm, nhưng có thể gặp một số bất tiện.
- Ví dụ: Lỗi hiển thị không chính xác, hoặc lỗi khiến một vài tính năng hoạt động không như mong muốn nhưng vẫn chấp nhận được.
- Biện pháp xử lý: Thực hiện kiểm thử tính năng để đảm bảo lỗi đã được loại bỏ hoàn toàn, đồng thời kiểm tra kỹ tác động của lỗi để đảm bảo không ảnh hưởng đến các tính năng quan trọng.
Bug thấp (Low Severity Bug)
Những lỗi này thường không ảnh hưởng đến chức năng của phần mềm mà chỉ tác động đến giao diện hoặc trải nghiệm người dùng. Chúng có thể bao gồm lỗi hiển thị sai màu sắc, phông chữ, lỗi chính tả hoặc một số hình ảnh không tải đúng cách.
- Ví dụ: Những lỗi như chính tả sai trong giao diện người dùng, màu sắc không đúng với thiết kế ban đầu.
- Biện pháp xử lý: Thực hiện kiểm thử giao diện hoặc trải nghiệm người dùng để tránh lỗi tương tự, trong một số trường hợp, có thể không cần sửa nếu lỗi không ảnh hưởng đến chức năng phần mềm.
Một số công cụ hỗ trợ theo dõi Bug
Có rất nhiều công cụ hỗ trợ lập trình viên trong việc theo dõi và quản lý bug, chẳng hạn như:
- Jira: Một trong những phần mềm nổi tiếng nhất dùng để theo dõi và quản lý bug, cho phép lập bảng phân loại hiệu quả.
- Bugzilla: Một công cụ giúp theo dõi bug và phát triển phần mềm với nhiều tính năng mạnh mẽ.
- Trello: Mặc dù không được thiết kế để theo dõi bug, nhưng Trello có thể được sử dụng để quản lý các nhiệm vụ và bug một cách trực quan.
Tự Học Lập Trình hy vọng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về cách phân loại bug!