Framework đã trở thành một khái niệm vô cùng quen thuộc đối với các lập trình viên. Nó hỗ trợ rất nhiều cho quá trình thực hiện công việc trở nên thuận lợi hơn.
Các lập trình viên thời nay đã không còn cảm thấy quá xa lạ với Framework. Họ thường xuyên tận dụng nó như một "món bảo bối" giúp cho công việc của mình trở nên hiệu quả và được triển khai nhanh chóng nhất có thể. Vậy Framework là gì và nó có vai trò như thế nào? Hãy cùng Tự Học Lập Trình tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.
Framework là gì?
Framework được ví như là một “bộ khung” cấu thành từ các đoạn code đã được viết sẵn và các thư viện lập trình, nhằm tối giản công sức phát triển ứng dụng web phong phú. Chúng cung cấp các tính năng có sẵn như mô hình, API và nhiều yếu tố khác nữa.
Có thể nói, Framework là các “vật liệu” mà lập trình viên có thể dùng để xây dựng ứng dụng, phần mềm của riêng mình. Thay vì phải tự thiết kế, họ chỉ cần khai thác, sau đó thực hiện các bước nhằm gắn kết chúng lại với nhau và tạo ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.
Bên cạnh đó, chúng còn có nhiệm vụ biên dịch và hợp lý hóa việc tạo ra phần mềm mới.
Framework không đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao. Bằng cách sử dụng dễ dàng như thế này, lập trình viên vẫn có thể tạo được sản phẩm hoàn chỉnh, đạt được chất lượng tốt, kể cả khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, họ cũng cần tối thiểu phải biết được Framework nào thích hợp với ứng dụng nào.
Đối với Framework, giống như bạn đã có một khung nhà được làm sẵn nền móng cơ bản, việc còn lại là chỉ cần vào xây dựng và trang trí nội thất theo ý mình.
Vai trò của Framework trong việc phát triển dự án
Sử dụng Framework khi phát triển các dự án là một sự lựa chọn rất thông minh vì bạn sẽ mất ít thời gian hơn. Các nhà phát triển sẽ không phải tốn quá nhiều công sức để phân tích kiến trúc hay những thứ đã quá cũ kỹ. Vì vậy mà tốc độ cũng như hiệu quả công việc đạt được sẽ rất cao, đáp ứng KPI theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, bạn sẽ có cơ hội sử dụng nhiều đoạn code, những mẫu module, plugin, extension gắn vào ứng dụng của mình hoàn toàn miễn phí. Đồng thời, tính năng bảo mật sẽ luôn được chăm sóc và cập nhật thường xuyên nhờ cộng đồng Framework.
Ưu và nhược điểm của Framework
Ưu điểm:
- Framework có sẵn các tính năng chung cho ứng dụng, phần mềm. Ví dụ, đa số tất cả các web thương mại điện tử đều cần có phần đăng ký, đăng nhập, quản lý dữ liệu người dùng… Chúng đã có tích hợp các tính năng này và người lập trình chỉ cần đưa vào sử dụng khi xây dựng website.
- Giúp lập trình viên tiết kiệm được tối đa thời gian, công sức khi phát triển phần mềm, ứng dụng.
- Cho phép sản phẩm ứng dụng kế thừa các tính năng, cấu trúc đã được tiêu chuẩn hóa. Điều này giúp cho quá trình vận hành và bảo trì, cũng như khắc phục sự cố trở nên dễ dàng hơn.
- Cho phép người dùng mở rộng các tính năng bằng cách ghi đè có chọn lọc lên các lớp có sẵn, dựa trên những gì mà Framework đã cung cấp. Miễn là tuân thủ theo một số tiêu chuẩn nhất định.
Nhược điểm:
- Cần biết cách làm chủ Framework.
- Khi dùng Framework, kích thước của ứng dụng, phần mềm sẽ rất lớn. Khi viết code, lập trình viên cần tuân thủ đúng các quy tắc mà Framework đã đề ra.
- Framework thường có kích thước lớn nên sẽ không thích hợp với việc phát triển ứng dụng quá nhỏ. Trong trường hợp này, tự viết code sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.