Lập trình viên là nghề nghiệp trong mơ của rất nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được những mặt trái của công việc này.
"Developer" không còn là khái niệm quá xa lạ đối với tất cả mọi người trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Đây là một trong những vị trí việc làm đòi hỏi và yêu cầu cao về kiến thức chuyên môn, lẫn kỹ năng mềm. Do tính chất khá khó nên không phải ai cũng đủ sức theo đuổi lĩnh vực này. Không giống như vẻ ngoài "hoàn hảo", nghề nghiệp lập trình viên cũng tồn tại những góc khuất khó nhìn thấy. Hãy cùng Tự Học Lập Trình tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé!
Công việc nhàn mà lương lại cao - có thật như vậy?
Liệu trong chúng ta có ai đã từng thốt lên rằng: "Developer lương cao mà việc vô cùng nhàn!"? Nếu bạn từng có suy nghĩ này, thì hãy bỏ ngay từ bây giờ đi nhé! Bởi vì, theo khảo sát thực tế, lương trung bình của lập trình viên ở Việt Nam khá thấp và chủ yếu còn dựa trên kinh nghiệm, cũng như kỹ năng của từng người.
- Junior Developer: Có mức lương từ 05 đến 08 triệu/tháng.
- Senior Developer: Có mức lương từ 15 đến 20 triệu/tháng.
- Leader Developer: Có mức lương từ 20 đến 30 triệu/tháng.
Có thể thấy, những con số này so với nghề nghiệp khác thì chẳng hề cao hơn bao nhiêu. Trừ trường hợp một số lập trình viên phải làm việc liên tục, tận dụng tối đa thời gian trong ngày để nhận thêm nhiều dự án bên ngoài. Suy cho cùng, đây cũng không phải là nghề nghiệp có thu nhập "đỉnh" như nhiều người vẫn nghĩ.
Còn nếu nhận xét lập trình viên là "nhàn" thì lại hoàn toàn không đúng. Bởi vì, nó thuộc loại công việc phải chịu nhiều áp lực, mệt mỏi và tiêu hao không ít công sức. Mặc dù được ngồi văn phòng với điều hòa mát mẻ... nhưng phải làm việc cả ngày trước màn hình máy tính. Từ đó, dễ phát sinh bệnh trĩ, táo bón và thoát vị đĩa đệm... Không những thế, họ còn thường xuyên đi sớm về muộn, đặc biệt là ôm việc về nhà.
Stress thường xuyên
Do đặc tính nghề nghiệp đòi hỏi người thực hiện công việc phải tư duy cao, nên tình trạng mất ngủ cũng thường xuyên diễn ra và dễ gây nên trạng thái tinh thần mệt mỏi. Bên cạnh đó, Developer còn bị deadline "dí chạy không kịp" liên tục, nghe phàn nàn từ sếp cũng như các vị khách hàng khó tính...
Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng là một trong những vấn đề khiến các lập trình viên "đau đầu".
Ngoài ra, vì phải thường xuyên tập trung cao độ nên đầu óc sẽ dễ bị ám ảnh bởi các vấn đề đó, chúng "ám ảnh" họ ngay cả trong bữa ăn và giấc ngủ... tạo cảm giác cực kỳ khó chịu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, sức khỏe, cũng như làm giảm lòng nhiệt huyết với nghề.
Giới tính - thừa nam và "hiếm" nữ
Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ nam - nữ tại nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin không đồng đều, đa phần chỉ toàn phái mạnh. Nhiều người vẫn thường nghĩ, ngành nghề này chỉ phù hợp với con trai vì chúng có liên quan đến logic. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là quan niệm sai lầm, cần được xóa bỏ. Trên thực tế, "phe kẹp tóc" cũng có vô số phẩm chất như siêng năng, chịu khó, ham học hỏi... làm lợi thế.
Tuy không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng, nhưng lại ảnh hưởng phần nào đó đến văn hoá công ty. Bởi vì, môi trường làm việc vốn đã áp lực và khô khan, mà xung quanh lại chỉ toàn là nam thì sẽ làm giảm đi khả năng giao tiếp với người khác phái.
Không có nhiều thời gian dành cho bản thân, gia đình và bạn bè
Danh sách những mặt trái của nghề lập trình viên tiếp tục được kể đến với việc thường xuyên phải over time, over night để kịp tiến độ deadline. Một dự án có thể kéo dài vài tuần, thậm chí đến nhiều tháng liên tục. Đây chắc chắc là một "cơn ác mộng" đối với người trong nghề.
Vì phần lớn thời gian của lập trình viên đã phải dành cho công việc, nên phần còn lại không còn nhiều để họ chăm sóc bản thân, gia đình và gặp gỡ bạn bè.
Tuổi nghề lập trình viên không cao
Thật sự không quá khó hiểu khi các doanh nghiệp công nghệ thông tin lại ưu tiên tuyển người trẻ tuổi. Bởi phần lớn họ đều mang một nguồn năng lượng tràn đầy nhiệt huyết và có tinh thần học hỏi cực kỳ cao. Ngoài ra, sức khỏe cũng khá dẻo dai, gần như chịu được mọi áp lực từ nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, rất nhiều lập trình viên vẫn luôn lo lắng về cuộc sống và lựa chọn nghề nghiệp của mình sau tuổi 30. Bởi vì họ hiểu rằng, đây là công việc có tuổi nghề không cao, chủ yếu là "sân chơi" dành cho người trẻ, dễ học và tiếp thu nhiều công nghệ hiện đại.
Hy vọng những thông tin do Tự Học Lập Trình cung cấp sẽ giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn về ngành công nghệ. Đừng vì một chút khó khăn mà từ bỏ đam mê và lòng nhiệt huyết theo đuổi con đường mình đã chọn nhé!