Sự khác nhau giữa Tech Lead và Project Manager
Nhiều người vẫn có quan điểm Tech Lead và Project Manager là cùng một vị trí, nhưng thực chất, đây lại là hai vị trí riêng biệt với những công việc khác nhau.
Tìm hiểu về Tech Lead
Tech Lead hay trưởng nhóm công nghệ là vị trí của một cá nhân, có nhiệm vụ hướng dẫn phát triển kỹ thuật trong quá trình tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Họ cũng sẽ là người thực hiện việc giám sát một nhóm các nhà phát triển, cũng như các thiết kế kỹ thuật phục vụ cho quá trình phát triển.
Đồng thời, đảm bảo rằng việc sử dụng các kỹ thuật ấy phù hợp với những mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.
Những người đảm nhận vị trí Tech Lead thường được đánh giá khá cao về mặt chuyên môn, cũng như có tầm nhìn nhạy bén về các xu hướng công nghệ, đồng thời hội tụ đầy đủ các yếu tố của người lãnh đạo.
Tại một số doanh nghiệp, Tech Lead còn có thể kiêm luôn vai trò của một kiến trúc sư phần mềm, trưởng nhóm hoặc quản lý kỹ sư phần mềm.
Công việc của Tech Lead
Một Tech Lead thường sẽ phải thực hiện các công việc sau:
- Xác định chính xác, đưa ra các mục tiêu cụ thể thúc đẩy nhóm phát triển bền vững.
- Thường xuyên kiểm tra tiến trình thực hiện công việc, đảm bảo về mặt chất lượng, tiến độ và chịu trách nhiệm về mọi dự án mà mình được giao.
- Dự đoán các nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy đến trong quá trình thực hiện dự án, bao gồm các yếu tố về nhân lực, công việc, kinh phí, tốc độ, chất lượng sản phẩm... Từ đó, báo cáo với nhân sự thuộc cấp Manager để giải quyết nhanh chóng các vấn đề.
- Thực hiện đánh giá code của các thành viên, để kịp thời phát hiện và chỉ ra lỗi sai.
- Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các Dev trong team, để có thể đưa ra định hướng hỗ trợ. Đồng thời, luôn cập nhật và tìm hiểu về các công nghệ mới trên thị trường, để có thể tư vấn cho Developer ứng dụng trong dự án và mang lại những sản phẩm chất lượng.
- Báo cáo tiến trình và hiệu quả công việc, cũng như tốc độ thực hiện dự án một cách chi tiết và chính xác với ban lãnh đạo.
- Thực hiện việc truyền cảm hứng, thúc đẩy tích cực và tạo động lực cho các thành viên khác trong nhóm.
- Chú ý đến khả năng của các thành viên, nguyện vọng phát triển mảng Technical, để từ đó nhìn nhận được điểm mạnh, yếu của từng người và phân chia công việc phù hợp.
Một số kỹ năng cần có ở Tech Lead
Ở một Tech Lead thường có cho mình những kỹ năng, kèm thái độ như:
- Có kỹ năng viết mã tốt, để nhận ra đâu là một mã chất lượng và đâu là mã kém chất lượng.
- Có hiểu biết rộng hơn về các phần mềm phù hợp với hệ thống tổng thể, cũng như hiểu rõ về phương thức phần mềm được triển khai, quản lý và vận hành trong môi trường sản xuất.
- Có nghiệp vụ lãnh đạo mạnh mẽ, ngay cả khi không chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ của dự án.
- Kỹ năng giao tiếp tốt, để truyền đạt và hướng dẫn các thành viên trong team mình.
- Có thái độ cầu tiến.
- Khả năng ngoại ngữ tốt.
Tìm hiểu về Project Manager
Project Manager được xem như chiếc cầu nối, giúp kết nối giữa khách hàng với các Dev trong team.
Trách nhiệm chính của họ là tìm hiểu nhu cầu khách hàng, sau đó truyền đạt lại với những người team, thiết lập quy trình làm việc phù hợp và thực hiện việc giám sát chặt chẻ, đảm bảo chất lượng phần mềm, cũng như bàn giao Project đúng hạn.
Mặc dù mang tiếng là người quản lý, nhưng Project Manager chỉ chịu trách nhiệm chung mà không theo sát quy trình làm việc hay tiến độ của các nhân viên.
Công việc của Project Manager
Một Project Manager thường sẽ phải thực hiện các công việc sau:
- Lập kế hoạch triển khai dự án.
- Quản lý đội ngũ nhân sự, kèm theo đó là thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện thông qua báo cáo của Tech Lead.
- Chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng dự án, cũng như việc quản lý ngân sách phục vụ cho Project.
- Tổng kết lại kết quả, hiệu suất công việc, đồng thời viết các báo cáo gửi cho cấp trên về quá trình thực hiện, triển khai dự án.
- Luôn dự trù các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện công việc, từ đó nhanh chóng đưa ra các biện pháp phù hợp để tránh tổn thất.
- Project Manager còn đảm nhận cả việc trao đổi trực tiếp với khách hàng, trong trường hợp kế hoạch có bất cứ vấn đề gì hoặc khách hàng có ý kiến nào về quá trình triển khai dự án.
Các yếu tố để trở thành Project Manager
Một Project Manager thường hội tụ các yếu tố:
- Có kinh nghiệm dày dặn trong việc triển khai và thực hiện dự án.
- Không ngừng trau dồi và phát triển các kỹ năng cần thiết, nhằm đảm bảo quá trình thực hiện các dự án diễn ra hiệu quả. Cụ thể như:
- Kỹ năng quản lý công việc.
- Kỹ năng lập kế hoạch.
- Kỹ năng giao tiếp tốt.
- Kỹ năng quản lý thời gian và quản lý dự án.
- Kỹ năng thấu hiểu khách hàng.
- Kỹ năng quản lý rủi ro.
- Khả năng lãnh đạo, điều hành và quản lý con người.
Sự khác nhau giữa Tech Lead và Project Manager
Tech Lead được biết đến là một chuyên gia kỹ thuật và người quản lý chịu trách nhiệm về định hướng công nghệ của một dự án và cung cấp hướng dẫn cho một nhóm các nhà phát triển phần mềm.
Còn Project Manager sẽ là người chịu trách nhiệm lập kế hoạch, thực hiện và kết thúc dự án.
Nếu như, Tech Lead là đầu mối liên hệ kỹ thuật chính trong dự án, đồng thời có trách nhiệm đảm bảo dự án được hoàn thành đúng thời hạn, trong phạm vi và ngân sách quy định.
Thì Project Manager sẽ là những người xác định phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ và sản phẩm của dự án, cũng như chịu trách nhiệm đảm bảo các nhóm dự án có đủ nguồn lực cần thiết để hoàn thành công việc của mình.
Đặc biệt hơn, Project Manager cũng sẽ là người đảm nhận trọng trách giao tiếp với các bên liên quan, nhằm thông báo cho họ về tình trạng của dự án và quản lý ngân sách dự án.
Nói ngắn gọn, Tech Lead sẽ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật của dự án, trong khi Project Manager thường chủ yếu tập trung vào quản lý dự án theo hướng tổng thể.