Bỏ túi bí quyết để trở thành lập trình viên giỏi với những kỹ năng, thói quen học tập, thực hành và kinh nghiệm từ chuyên gia.
Để đi trên con đường trở thành một lập trình viên giỏi cần học và cách thức như thế nào, hãy cùng xem qua bài viết này để tìm cảm hứng cho mình nhé!
Học những môn học cần thiết
1. Tiếng Anh
Tiếng Anh là yếu tố quan trọng nhất. Ngành công nghệ thông tin chủ yếu phát triển trên nền tảng tiếng Anh, từ tài liệu học tập đến giao tiếp trong công việc. Việc nắm vững tiếng Anh không chỉ giúp bạn dễ dàng tiếp cận kiến thức mới mà còn mở ra cơ hội làm việc tại các công ty lớn, nơi bạn có thể nhận mức lương cao hơn.
2. Ngôn ngữ lập trình (Java hoặc C++)
Ngôn ngữ lập trình là điều hiển nhiên rằng một lập trình viên cần biết. Mình khuyên bạn nên bắt đầu với Java hoặc C++, vì chúng cung cấp nền tảng vững chắc về các khái niệm lập trình bậc cao. Hiểu rõ hai ngôn ngữ này giúp bạn dễ dàng học tập và chuyển sang các ngôn ngữ lập trình khác trong tương lai.
3. Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
Môn học này thường xuyên bị các sinh viên bỏ qua. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy rằng kiến thức này rất quan trọng khi giải quyết các bài toán phức tạp trong lập trình. Các công ty lớn sẽ thường hỏi bạn về các bài tập liên quan đến giải thuật trong buổi phỏng vấn. Việc học cách nghĩ về thuật toán sẽ giúp bạn phát triển phần mềm chất lượng hơn.
4. Cơ sở dữ liệu
Cơ sở dữ liệu là một phần không thể thiếu trong hầu hết các ứng dụng phần mềm hiện nay. Bạn sẽ cần biết cách lưu trữ và truy xuất thông tin, cũng như tối ưu hóa các truy vấn để xử lý dữ liệu lớn. Kiến thức về cơ sở dữ liệu sẽ cho phép bạn xây dựng các hệ thống đáng tin cậy và hiệu quả.
Phương pháp học tập đúng đắn
Trong lập trình, lý thuyết chỉ là phần khởi đầu. Hãy dành thời gian thực hành các ngôn ngữ lập trình và thuật toán mà bạn học được. Thực hành sẽ giúp bạn nắm rõ cú pháp và cách thao tác với ngôn ngữ.
Hãy thử sức với các bài tập mã hóa trên các trang như CodeLearn để kiểm tra kỹ năng của bạn. Bạn không cần nhớ từng thuật toán phức tạp, nhưng hãy biết đến nó và biết cách áp dụng khi cần thiết.
Và đừng quên, khi bạn đã nắm vững lý thuyết và thực hành hãy bắt tay vào tạo ra những dự án thực tế. Điều này không chỉ mang lại cho bạn kinh nghiệm mà còn giúp bạn xây dựng một portfolio hấp dẫn để giới thiệu với nhà tuyển dụng.
Cuối cùng, sự chủ động là chìa khóa để thành công trong ngành lập trình. Bạn nên tích cực tìm kiếm kiến thức, tham gia các hoạt động cộng đồng và chủ động trong việc phát triển bản thân. Nếu có cơ hội, hãy tìm một vị trí thực tập để có thể trải nghiệm môi trường làm việc thực tế.