Sinh viên IT cần trang bị những gì trước khi tìm việc?
Sau bao năm đèn sách thì tìm việc là ước mơ của rất nhiều sinh viên IT. Vậy cần trang bị những gì để có thể đi xin việc?
Sau những năm tháng học tập chăm chỉ trên ghế nhà trường, bất kì sinh viên IT nào cũng mong muốn có được công việc ổn định. Nhưng cuộc đời chưa bao giờ là dễ dàng, ra trường bạn mang một nhiệt huyết muốn làm việc, muốn cống hiến hết mình cho công việc để có thể phát triển bản thân thật tốt nhưng rồi bạn gửi CV đi nhiều nơi đều không được chấp nhận.
Bạn không hiểu lý do vì sao, bạn không biết bạn thiếu gì thì hãy đọc bài viết này góp phần hỗ trợ các bạn sinh viên IT cách nhìn nhận lại cái mình còn thiếu và cần trang bị những gì khi tìm kiếm công việc.
Kiến thức
Kiến thức là yếu tố cơ bản nhưng cũng là yếu tố quan trọng nhất. Những năm tháng học đại học, bạn đã được chuẩn bị nền tảng và kiến thức cơ bản để làm việc. Vậy chắc chắn rằng bạn phải nắm chắc những kiến thức đó.
Khi ra trường và chuẩn bị đi xin việc, bạn cần có những định hướng tương lai rõ ràng cho bản thân. Bạn có thể trở thành front-end developer, back-end developer, full-stack… Và đối với mỗi hướng bạn lựa chọn đòi hỏi bạn phải chuẩn bị đủ những kiến thức và những kỹ năng cơ bản về mảng đó. Cụ thể, nếu bạn theo front-end bạn cần nắm chắc các kiến thức về HTML, CSS, Javascript… hay nếu bạn muốn trở thành back-end developer bạn cần trang bị kiến thức về C#, .NET… Bên cạnh đó, ngoài những kiến thức về từng mảng, bạn cần chuẩn bị những kiến thức chung về lập trình như lập trình hướng đối tượng (OOP).
Ngoại ngữ
Ngoài các kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ là một trong những yếu tố rất cần thiết đối với tất cả các ngành nghề, đặc biệt là đối với ngành IT. Công nghệ ở nước ngoài đã đi trước chúng ta rất lâu, chúng ta hiện tại chỉ đang kế thừa và phát triển chúng, do vậy hầu hết các tài liệu nghiên cứu về ngành đều được viết bằng tiếng Anh. Các tài liệu được biên dịch sang tiếng Việt khá ít và rất khó tìm. Vì vậy, để có thể đọc hiểu và sử dụng các tài liệu ấy một cách tối ưu nhất, thì việc hiểu biết về tiếng Anh là hết sức cần thiết.
Hơn nữa, nếu bạn có trong tay khả năng giao tiếp tiếng anh tốt, bạn có thể học tập và làm việc ở công ty nước ngoài, các nhà tuyển dụng cũng sẽ ưu ái bạn hơn, và tất nhiên bạn sẽ sở hữu một mức lương nhỉnh hơn so với các lập trình viên không giỏi tiếng Anh.
Hồ sơ xin việc
Đây là một công cụ giúp bạn hữu hình hoá những cái bạn đang có, những cái bạn đã đầu từ vào bản thân mà bạn muốn muốn thể ra để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người phù hợp.
Mỗi nơi đều có quy định riêng về hồ sơ xin việc, nhưng đều có những yếu tố cơ bản như sơ yếu lý lịch, đơn xin việc, CV, giấy khám sức khỏe, bằng cấp - chứng chỉ.
Hồ sơ xin việc rất quan trọng, việc bạn sở hữu một hồ sơ sạch sẽ và tốt đẹp sẽ đóng góp quyết định một phần bạn có được nhận công việc đó hay không.
Luôn giữ tâm thế chủ động
Bạn hãy luôn giữ một tâm thế chủ động khi đi tìm việc. Bạn có thể tìm kiếm qua các nguồn như các group công nghệ trên facebook, các trang tuyển dụng, Linkedin…
Với sự phát triển của Internet hiện nay thì tìm việc làm trở nên nhẹ nhàng hơn, bạn chỉ cần search keyword một cách tối ưu trên internet nó sẽ giúp bạn tìm kiếm hiệu quả hơn, hoặc bạn có thể hỏi các anh chị đi trước.
Hãy luôn chủ động tìm hiểu về công ty bạn muốn ứng tuyển, bạn có thể tìm hiểu về văn hoá, chế độ đãi ngộ, khả năng phát triển lâu dài của công ty đó... nó sẽ trở thành một điểm cộng của bạn khi đi phỏng vấn. Hơn nữa bạn nên so sánh một số công ty với nhau để có thể lựa chọn được công ty phù hợp với bạn nhất, rồi mới ứng tuyển.
Trấn an tinh thần thật tốt
Các bạn nên chuẩn bị kỹ tâm lý cho bản thân trước buổi phỏng vấn. Bạn nên giữ bình tĩnh trong quá trình phỏng vấn,bởi nếu mất bình tĩnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả phỏng vấn.
Trang phục lịch sự, nói chuyện âm lượng vừa đủ nghe, giữ phép lịch sự, những điều này sẽ giúp bạn bước đầu ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và cũng khiến bạn cảm thấy thoải mái, không bị quá áp lực.
Hãy thành thật khi trả lời phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ biết ứng viên có trung thực hay không thông qua một số câu hỏi vì đó là nghề của họ. Nếu bạn không biết thì cũng không nên nói thẳng thừng là "em không biết!" mà nên trả lời khéo léo, ví dụ như "vấn đề này em chưa có cơ hội tìm hiểu qua, em sẽ tìm hiểu trong thời gian tới".
Hãy luôn thể hiện bản thân là một người có tinh thần học hỏi, không ngại khó, không ngại khổ, luôn cố gắng thể hiện năng lượng và tinh thần làm việc.
Hãy nói lên mong muốn được có cơ hội thử sức làm việc tại công ty, bên cạnh đó thể hiện đam mê và trách nhiệm với công việc.